Họ và tên: Nguyễn Thành Nhân
Ngày tháng năm sinh: 25/05/2001
Tỉnh/ Thành phố đang sinh sống: TP.Hồ Chí Minh
Nơi học tập/ Công tác: RMIT University Vietnam
Bảng dự thi: Bảng Arenaites
Hạng mục: Nhiếp ảnh – Vẽ – Thiết kế – Video
GIỚI THIỆU BẢN THÂN
Mình tên Nguyễn Thành Nhân (hoặc Bủn), 21 tuổi. Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Mình biết cuộc thi đã được 2 năm rồi, và lần này mình muốn tham gia để giành giải thưởng.
HẠNG MỤC VẼ – THIẾT KẾ
JUST ANOTHER DAY IN SAIGN
Vì vẻ đẹp của Sài Gòn luôn nằm ở những điều bình dị nhất, hai tác phẩm trong bộ ‘Just another day in Saign’ tập trung miêu tả những khoảnh khắc nhỏ bé, đời thường theo một phong cách mới mẻ, một đại diện cho góc nhìn của thế hệ trẻ về thành phố này. Không mang nhiều tầng ý nghĩa sâu xa, bộ ảnh cốt là để người xem cảm nhận được không khí nắng nóng của buổi trưa cùng những món ăn biểu tượng, điều đã làm nên nét đặc trưng của Sài Gòn.
BANHMI
Sau giờ tan học, một cậu học sinh đang trên đường về nhà, suy nghĩ về chuyện trưa nay ăn gì. Ánh mắt của cậu bất giác hướng về phía một hàng bánh mỳ quen thuộc ven đường. Cậu bất giác thốt lên: “A, bánh mì!” Trưa hôm đó cậu bé có ăn bánh mì không thì mình không biết. Chỉ biết trong khoảnh khắc đó, cái oi bức nắng nóng của buổi trưa hè bỗng dưng biến mất, thay vào đó là cảm giác giòn rụm của vỏ bánh mì, vị đậm đà, cay nồng của nhân bánh. Một hương vị quen thuộc nhưng khó quên đối với những cô cậu bé lớn lên ở Sài Gòn.

COMTAM HONG?
Có một lần mình cùng một vài người bạn dẫn một bạn Việt kiều đi chơi vòng vòng Sài Gòn. Sáng hôm ấy bọn mình đi Dinh Độc Lập rồi ghé qua cà phê Đỗ Phủ ngồi chơi. Tới lúc tụi mình đang bàn nhau một lát ăn trưa gì thì bạn Việt kiều mới nói là: “Cơm tấm hông?”- “Ừ thì cơm tấm.” Cơm tấm tuy không là một món ăn phổ biến với người trẻ bọn mình trong các dịp đi chơi. Thường tụi mình toàn đi ăn lẩu hay đi ăn đồ Hàn Quốc chứ ít khi nào rủ nhau đi ăn cơm tấm. Vậy mà người bạn kia lại tỏ vẻ rất hứng thú với món cơm tấm của cửa tiệm này, bạn nói rằng bạn thích cái cách mà hạt gạo tấm xôm xốp tan trong miệng, vị đậm đà của thịt, cái béo ngậy của trứng kết hợp với đồ chua và đặc biệt là kim chi. Có lẽ như đối với những người đã quá quen thuộc với mình, cơm tấm đã đánh mất đi sự kỳ diệu vốn có. Như dân gian thường nói: “Ăn nhiều nó ngán”. Chỉ khi nào được nghe từ góc nhìn của một thực khách mới lạ, ta mới nhận ra cơm tấm tuyệt vời đến nhường nào.

HẠNG MỤC NHIẾP ẢNH
MANG TẾT VỀ NHÀ
Cứ mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, những thành phố nhộn nhịp như Sài Gòn bỗng trở nên bình yên đến lạ. Lý do là vào dịp này, người dân tứ xứ sẽ kéo nhau về quê thăm gia đình, để lại Sài Gòn cho những người gốc gác nơi đây. Nhiều người nói là Tết ở Sài Gòn buồn vì có còn ai đâu. Nhưng không. Cái Tết ở thành phố này không nhộn nhịp nhưng vẫn đẹp theo một cách nhẹ nhàng. Tết của người Sài Gòn không phải là lễ hội, pháo bông(mặc dù năm nào thành phố cũng có), mà là những khoảnh khắc bình dị như cùng mẹ đi chùa, đi mua bông về cúng, ngồi sau lưng ba và nghe ba kể về những đổi thay của thành phố. Vì vậy, tụi mình (mình và một vài người bạn trong clb SGHP) lấy tựa đề “Mang Tết về nhà” với mong muốn mang Tết về đúng định nghĩa nguyên thủy của nó: “Tết là đoàn viên, ăn Tết là về nhà”





HẠNG MỤC VIDEO
SAIGON INSIDE OUT – SÀI GÒN QUA NĂM GIÁC QUAN
Đây là một video thể hiện vẻ đẹp quen thuộc và có đôi phần bình dị của Sài Gòn, được lột tả qua cảm nhận của năm giác quan. Theo chân Phương trong câu chuyện được truyền cảm hứng bởi bộ phim Inside Out và cốt truyện tựa giấc chiêm bao được quay lại như một cuộn phim, nét văn hoá đặc trưng của vùng đất Sài Thành được gìn giữ và trình bày qua khiếu hài hước hóm hỉnh và sự tò mò khôn nguôi của tuổi trẻ. Tựa như một đại diện của chính thành phố này, tác phẩm kết hợp giá trị văn hoá lịch sử của một Sài Gòn xưa cùng lối kể chuyện hiện đại thu hút sự chú ý của không riêng gì các bạn trẻ mà người dân thành phố ở mọi lứa tuổi đến từ khắp nơi trên cả Việt Nam và thế giới.