Họ và tên: Nguyễn Thị Thanh Thủy
Ngày tháng năm sinh: 09/11/2001
Tỉnh/ Thành phố đang sinh sống: TP HCM
Nơi học tập/ Công tác: ĐH Kiến Trúc TP HCM
Bảng dự thi: Cộng đồng
Hạng mục: Thiết kế
GIỚI THIỆU BẢN THÂN
Em rất hứng thú với chủ đề WeEarth của cuộc thi năm nay, cũng như thông điệp mà Show It NOW muốn truyền tải. Vì vậy em muốn thử sức mình trong việc sáng tạo và đóng góp cho thông điệp bảo vệ trái đất và hành tinh xanh của chúng ta.
MÔ TẢ Ý TƯỞNG
RE-GENERATION : GUARDIAN OF THE EARTH
Đây là tác phẩm poster cho một cuộc thi sáng tạo công nghệ số, kêu gọi trẻ em phát kiến đóng góp cho nông nghiệp giả lập mang tên RE-GENERATION với chủ đề GUARDIAN OF THE EARTH. Lấy ý tưởng từ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật hiện nay, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) vào hình thức sản xuất nông nghiệp tái sinh (Regenerative Agriculture) nhằm giúp bảo vệ đất và canh tác một cách hiệu quả. Nhờ có trí tuệ nhân tạo, con người có thể dự đoán và phân tích dữ liệu, sử dụng drone và máy móc thay thế,…vừa giúp đất đai không bị xói mòn, vừa tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, sự kì diệu mà trí tuệ nhân tạo mang đến cũng khá tương đồng với những phép màu của các thổ thần trong dân gian Việt Nam – những vị thần bảo vệ đất và mùa màng. Vì vậy em sử dụng các hình tượng thổ thần trong thời hiện đại với tạo hình được kết hợp với công nghệ và máy móc. Ở poster đầu tiên là một vị thổ thần sử dụng các máy móc thiết bị để phân tích dữ liệu và đưa ra các dự báo về thời tiết cũng như chỉ số sinh trưởng của cây, poster thứ hai là một vị thổ thần sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa giúp cho việc canh tác. Bản thân tên RE-GENERATION (kết hợp của regenerative agriculture và generation) cũng thể hiện được sự tiếp nối truyền thống nông nghiệp và bảo vệ đất đai của thế hệ trẻ và sự phát triển của nông nghiệp tái sinh.
SPEAK UP FOR LANGURS
Poster infographic về chiến dịch bảo vệ loài vooc Cát Bà cũng như hệ sinh thái trước nguy cơ do biến đổi khí hậu. Loài vooc Cát Bà là một trong những loài động vật đặc hữu tại Việt Nam, song chúng đang đối diện với nhiều mối đe dọa khi mất đi nơi ở do hệ quả từ biến đổi khí hậu gây nên. Poster đưa đến các thông tin chi tiết về thực trạng, insight, creative idea và đề xuất sự kiện cho chiến dịch Speak up for langurs.
CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG TRỰC TUYẾN: ĐÂU LÀ NHÀ?
Việc săn bắt và nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã hiện đã và đang là vấn đề nhức nhối trong thực trạng hiện nay, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường, trực tiếp hủy hoại hành tinh xanh của chúng ta. Tuy nhiên bởi vì động vật không thể nói, chúng không thể nói lên nỗi đau của chính mình, mà chính chúng ta hãy nói lên và ngăn chặn hành vi nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã này. Vì vậy chiến dịch truyền thông trực tuyến “Đâu Là Nhà” ra đời với ý tưởng về sự khác biệt của công bằng (con người đối xử với loài vật theo nhu cầu của con người) và bình đẳng (con người đối xử với loài vật theo nhu cầu của chúng), cũng như mong muốn đánh mạnh vào sự đồng cảm của đối tượng người xem. Ba poster sử dụng hình ảnh các con vật bị nuôi nhốt trái phép và đối xử theo nhu cầu của con người nhưng lại gây hại đến chúng: chú khỉ đu dây điện, chú rùa bơi trong bồn tắm đầy bọt xà phòng, chú đại bàng bay lên trần nhà có quạt. Thông điệp mà poster muốn hướng đến là hãy đưa động vật về ngôi nhà mà chúng thực sự cần và thực sự thuộc về, đó là ngôi nhà trong tự nhiên của chúng.