Bài thi: Vũ Nguyên Huệ Quân

Họ và tên: Vũ Nguyên Huệ Quân

Ngày tháng năm sinh: 13.11.2003

Tỉnh/ Thành phố đang sinh sống: Thành phố Hồ Chí Minh

Nơi học tập/ Công tác: Trường Phổ Thông Năng Khiếu – Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh

Hạng mục dự thi: Cộng đồng

Portfolio: Vẽ

GIỚI THIỆU BẢN THÂN

Mình tên Huệ Quân, hiện tại đang học lớp 11 chuyên Văn Trường Trung học Phổ Thông Năng Khiếu – Đại học Quốc Gia TP.HCM. Dù mình chỉ mới 17 tuổi, nhưng mình đã chắc chắn rằng nghệ thuật là con đường mình sẽ theo đuổi sau này. Mình rất thích đọc sách, vẽ, ca hát, xem phim,… Đối với mình, những hiện tượng xã hội mà ta đang thấy xung quanh là hệ quả từ sự phức tạp của nội tâm con người, và nghệ thuật chính là chìa khóa để giải mã những điều ấy. Đó là lý do mà mình theo đuổi nghệ thuật, để khám phá tâm thức của con người, của thế giới và từ đó có thể đem đến sự chữa lành cho mọi người.

HẠNG MỤC VẼ

Các tác phẩm trên là những tác phẩm khắc họa góc nhìn của mình trong thời kỳ mà cả thế giới phải chiến đầu cùng COVID – 19. Mình nghĩ điều mình có thể thấy rõ nhất trong giai đoạn này chính là nỗi sợ hãi của con người – thứ vốn đã luôn tồn tại trong chúng ta – nhưng tới những lúc như thế này, thì nó mới có “dịp” để hiện rõ lên trên bản đồ thế giới.

Social Distancing

Khi con người sợ hãi, họ giữ trong mình một tấm gương vị kỷ nơi chỉ có thể thấy chính họ và họ. Ta trở thành nô lệ của bản năng sinh tồn và mặc kệ những yếu tố khác, kể cả tình người, tình đồng loại. Có những ngày mà lời chửi bới các du học sinh, người làm việc ở nước ngoài về lại tổ quốc. Mọi người có thể lập luận theo nhiều cách khác nhau để chứng minh rằng tại sao những “đứa trẻ bỏ nhà ra đi này” lại không được về với đất mẹ, nhưng cũng không thể nào che dấu đi nỗi sợ hãi có chút ích kỷ trên gương mặt mình. Nỗi sợ có thể làm người ta phớt lờ đi mưu cầu được bình an của người khác, mà để cái quyền lợi bỗng trở nên “quý hơn vàng” của mình lên hàng đầu. Vậy nỗi sợ này liệu có đáp ứng được nhu cầu sinh tồn của chúng ta. Với tôi, trong bất kỳ trường hợp nào, tình cảm giữa loài người luôn là nền tảng của sự tồn tại, sự phát triển của chúng ta. Sự ích kỷ của bản thân mỗi người chỉ đưa chúng ta về lại với sự cô độc của chính mình.

Fears

Nỗi sợ hãi vốn luôn là một thứ gì đó thuộc về bản chất của con người, và khi hiểm họa xảy ra, ta càng nhận thức rõ hơn về sự nhỏ bé của ta trước thế giới, từ đó mà nỗi sợ càng thể hiện rõ rệt hơn trên khuôn mặt. Có những ngày ta thấy thật nhiều xác chết chó mèo lênh láng máu trên các con đường Vũ Hán. Đó là những sinh vật vô tội đã bị chủ của chúng thả từ trên cao xuống vì nghĩ rằng chúng có thể gieo giắc bệnh dịch dù chưa có một kiểm chứng khoa học nào xác nhận điều đó. Đi trên những con đường Vũ Hán, ta thấy máu và thịt của các loài động vật vô tội, hay thấy nỗi sợ hãi và hoảng loạn của con người.

Don’t you have faith

Với “Don’t you have faith”, tôi một lần nữa muốn thể hiện nỗi sợ hãi của con người, nhưng không phải qua những hành động “thiếu bình tĩnh” mà là cách con người cố gắng tìm kiếm sự chở che, chỗ dựa tinh thần từ vũ trụ. Khi hiểm họa xảy ra, ta không những nhận thức được sự nhỏ bé của con người trước tự nhiên, mà còn củng cố thêm niềm tin vào năng lượng bên ngoài sự sống hữu hình. Trong buổi chầu Thánh Thể tại nhà thờ ở Vatican, Đức Giáo Hoàng Francis đã nói rằng “Don’t you have faith?” – “Con không tin sao?”. Con người trong bối cảnh hoảng loạn ấy, ta không thể làm gì khác ngoài việc tin tưởng và hy vọng. Tin vào sự phù hộ của thần thánh, vào lời cầu nguyện của chính mình. Thế giới quan duy tâm mãi nằm ngoài tầm kiểm chứng của con người, nhưng luôn là điểm tựa cho ta khi nỗi sợ hãi không thể “chữa lành” được bằng vật chất. 

Saigon’s Street During Corona Season

Trong những ngày giãn cách xã hội, “quarantine”, có lẽ hình ảnh con đường trong các bức tranh tĩnh vật sẽ không còn đông đúc con người như trước; nếu có một sự vật gì đó thì chắc chỉ có thiên nhiên, sinh vật nhỏ bé và những chiếc lon bị vứt đi. Thực chất, chiếc lon trống rỗng trên con đường vắng lại là một biểu tượng của số phận con người hiện nay. Những thứ vật chất, điều ta nghĩ làm nên cuộc sống mình từ trước đến nay bây giờ có khác nào một chiếc hộp thiếc trống trơn, bị bóp méo và không có đủ trọng lượng để đứng vững. Ta nhận ra rằng dù thế nào, thì những đồng tiền, của cải cũng chỉ tạo ra một lớp vỏ đẹp đẽ, song hữu hạn. Để đứng vững, ta cần rót vào chiếc bình sự sống của mình sự an yên, vì giá trị tinh thần mới là vĩnh cửu, mới là thứ giúp ta đứng vững dù có “cơn gió nào” thổi qua. Khi ta đủ tỉnh táo, nỗi sợ lại chính là thứ giúp ta nhìn nhận lại bản thân mình, biết mình là ai và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn khi bão tố qua đi.

Nỗi sợ sẽ không phải là một chướng ngại vật nếu như ngày thường ta đã “rót đầy” vào chiếc bình sự sống của mình sự an yên. Và khi đối mặt với sự sợ hãi, con người có cơ hội nhìn lại chính mình, nhìn lại những thứ mình đã có được, và biết rằng mình sẽ cần thêm những gì.

Bài thi khác