Bài thi: Nguyễn Quang Huy

Họ và tên: Nguyễn Quang Huy

Ngày tháng năm sinh: 12/8/2000

Tỉnh/ Thành phố đang sinh sống: Hà Nội

Nơi học tập/ Công tác: RIO Book

Bảng dự thi: Bảng Cộng đồng

Hạng mục: Nhiếp ảnh – Thiết kế

GIỚI THIỆU BẢN THÂN

Em tên Nguyễn Quang Huy, hiện đang là thực tập sinh tại RIO Book. Em biết đến “Show It Now” từ năm 2021, và đã chờ một năm để tham gia vào tháng 9 này với 2 bài dự thi, một ở hạng mục Thiết kế và một ở hạng mục Nhiếp ảnh. Cuộc thi là cơ hội để em được tiếp thu thêm kinh nghiệm và tạo ra những tác phẩm đồ họa chất lượng, được thử nghiệm những kỹ năng và tư duy học được trong thời gian qua, đồng thời vì có tìm hiểu qua và cảm thấy hứng thú với chương trình học tại Arena Multimedia nên em cũng hi vọng sẽ giành được giải thưởng là suất học bổng Advanced. Hi vọng ban giám khảo và mọi người sẽ thích bài thi của em! Chúc cuộc thi diễn ra thành công!

HẠNG MỤC THIẾT KẾ

QUỐC VỊ

Dự án được mình thực hiện trong 3 tuần, gồm 5 bức poster xoay quanh đề tài “nước mắm”- một loại thực phẩm quen thuộc đậm chất Việt, tuy nhiên ít khi được khai thác về mặt hình ảnh trên truyền thông.

Trong văn hóa Việt Nam, nước mắm đã trở thành chất liệu không thể thiếu, khi vừa là loại gia vị thơm ngon- giúp làm nổi bật món ăn Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới, vừa là dược liệu chữa bệnh. Với lịch sử tồn tại hơn 1000 năm, nước mắm từ đó được xem như “quốc hồn- quốc túy” của người Việt, thậm chí ghi dấu ấn mạnh mẽ với vô vàn lời ca tụng từ những người phương Tây ghé thăm Việt Nam. Từ ý đó, bài thi muốn thể hiện hành trình nước mắm được sinh ra từ thiên nhiên, là công sức người ngư dân đánh bắt cá cơm cho đến khi nguyên liệu được ướp trong nhà hầm tại các làng biển, và rồi đến với bàn ăn của từng gia đình Việt. Quá trình đó được thể hiện qua sự sắp xếp thứ tự 4 bức poster với hình ảnh giọt nước mắm phản chiếu, các hình ảnh được gom lại trong một bức poster lớn với gam màu thanh mát và mộc mạc, hòa quyện với sự bay bổng, nhẹ nhàng của phông chữ viết tay.

Qua đó, không chỉ giá trị độc nhất của loại nước chấm thuần Việt được thể hiện, mà vẻ đẹp của người lao động- một phần làm nên bản sắc dân tộc, cũng được khai thác thông qua công sức chắt chiu từng giọt thành phẩm. Các hình ảnh đậm chất quê hương như nón lá, áo dài, thúng tre… cũng được tái hiện để góp phần làm nổi bật tinh thần Việt Nam.

HẠNG MỤC NHIẾP ẢNH

NGŨ QUẢ

Từ bao đời nay, những câu chuyện dân gian truyền miệng đã trở thành một phần bản sắc của mỗi đất nước. Bài thi lấy đề tài hoa quả Việt Nam- nguyên liệu của rất nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng các vùng miền, cũng như là nhân tố góp mặt thường xuyên trong những câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ, là một phần văn hóa Việt. 

Để tạo nên sự mới lạ, bộ ảnh được thực hiện trong 8 tiếng đồng hồ trong studio và dành riêng cho cuộc thi “Show It Now 2022”, tập trung vào 5 loại quả trong các câu chuyện dân gian Việt Nam, với đầy đủ ưu điểm từ hương thơm đến vị và màu sắc, chọn lọc từ 5 gam màu tương ứng ngũ hành- một khái niệm quen thuộc trong văn hóa Việt. Dưới lăng kính nhiếp ảnh nghệ thuật- thời trang Á Đông, dự án còn đưa vào các hình tượng được lấy cảm hứng từ 5 nhân vật/ cặp nhân vật dân gian Việt Nam gắn liền với từng loại quả, pha thêm nét chấm phá hiện đại qua những phục trang của ngày nay, nhưng vẫn toát lên tinh thần truyền thống trong câu chuyện gốc.

a. Sự tích dưa hấu (Hỏa- màu đỏ): lấy cảm hứng từ nhân vật Mai An Tiêm trong truyền thuyết- người con bị vua Hùng đày ra đảo và đã tìm ra giống loại dưa hấu. Trái dưa hấu xuất hiên như một sự cứu sinh, đưa gia đình sống sót trở về.

b. Sự tích dâu tằm (Thủy- màu đen): lấy cảm hứng từ nhân vật người góa phụ hiếu thảo với cha mẹ chồng trong truyện cổ tích, nơi nàng mất đi sau này mọc một gốc cây, người dân ưu ái gọi là cây “dâu”- trích từ cụm từ “nàng dâu”. Hình ảnh trong dự án lấy nội dung sau khi hồn nàng trở về thăm cây dâu; trái dâu tằm xuất hiện trong câu chuyện để nhấn mạnh vai trò, đức tính của nàng “dâu”.

c. Sự tích trầu cau (Mộc- màu xanh lá): lấy cảm hứng từ đôi vợ chồng trong truyện cổ tích, khi mất đi hóa thành cây cau- cây trầu, luôn quấn quít bên nhau. Quả cau xuất hiện như một minh chứng tình yêu giữa hai nhân vật.

d. Sự tích quả roi (Kim- màu trắng): lấy cảm hứng từ nhân vật nữ giả nam đi học trong truyện cổ tích, được thầy đồ tặng cho chiếc dây chuyền xâu quả ốc roi; càng chăm học, roi càng trắng. Trang phục menswear giúp thể hiện hoàn cảnh của nhân vật gốc, cũng như chiếc khăn trên cổ tượng trưng cho những ràng buộc cho nữ giới của xã hội xưa, trong khi trái roi trưng cho khát vọng vượt lên hoàn cảnh éo le.

e. Chuyện quả thị (Thổ- màu vàng): lấy cảm hứng từ nhân vật cô Tấm trong truyện cổ tích. Hình tượng được xây dựng trong bộ ảnh là cô Tấm hiện đại, năng động, chăm chỉ; chiếc yếm đào và đôi giày đỏ được đưa vào để gợi nhắc chi tiết gốc trong truyện, trong khi quả thị tượng trưng cho sức sống của Tấm.

Trong mỗi câu chuyện đó, mỗi loại quả lại giúp truyền đạt một bài học, đức tính tốt của người Việt: chung thủy, hiếu thảo, ham học, chịu thương chịu khó… Qua đó, bài dự thi muốn thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống- hiện đại, đặc biệt là giữa ẩm thực- văn hoá- văn học Việt Nam, để từ đó chạm đến và truyền bá thật nhiều khía cạnh trong chủ đề “Hương- Vị- Sắc”.

Bài thi khác